Đại học Tôn Đức Thắng và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thanh toán di động tại Việt Nam – Thách thức và triển vọng”
Sáng ngày 28/7/2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Khoa TCNH và Trung tâm nghiên cứu và đào tạo kinh tế ứng dụng làm đầu mối) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (Văn phòng Đại diện tại TP.HCM) đã tổ chức buổi Hội thảo “Thanh toán di động tại Việt Nam – Thách thức và triển vọng”.
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ, giảng viên, nhà khoa học, diễn giả, các chuyên gia, lãnh đạo, quản lý đến từ các trường đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Mở TP.HCM, Đại học Ngân hàng TP.HCM, Tổ chức Đào tạo Smart Train, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng PVcombank, Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Kiên Long, Công ty Tài chính tiêu dùng Home Credirt Việt Nam, Công ty Chứng khoán VNDirect, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife…
Phát biểu chào mừng Hội thảo, TS.Nghiêm Quý Hào, Giám đốc Trung tâm NC&ĐT Kinh tế ứng dụng ĐH Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo cho biết: “Hội thảo nhằm hưởng ứng chính sách của Chính phủ về việc cho phép thí điểm triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (gọi tắt là Mobile Money) và tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học trong ngành tài chính ngân hàng gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến, cập nhật và thảo luận cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán số, thanh toán di động về những cơ hội, thách thức và xu thế, cũng như những hành động cần thiết trong bối cảnh này”.
TS.Lê Thị Kim Xuân, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng tại TP.HCM, trong phát biểu khai mạc Hội thảo đã cung cấp thông tin: hiện Việt Nam đã trở thành nền kinh tế internet phát triển đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Riêng quý I/2020, thanh toán di động đã tăng 188,7% về số lượng, tăng 146% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hiện cơ sở hạ tầng cho thanh toán số, thanh toán di động ở Việt Nam đã hoàn thiện ở mức khá cao, với 78 ngân hàng internet banking, 49 cung ứng dịch vụ mobile banking…cho thấy ngân hàng số là xu hướng tất yếu.
Hội thảo đã nghe các tham luận có chất lượng chuyên sâu từ các giảng viên đến từ Khoa Tài chính ngân hàng ĐH Tôn Đức Thắng như “Tổng quan tình hình thanh toán di động – Mobile Money trên thế giới” (TS.Phùng Quang Hưng), “Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến xu hướng sử dụng thanh toán số - Bằng chứng thực nghiệm tại Châu Phi” (Nhóm tác giả: TS.Hồ Thanh Tùng – TS.Dương Đăng Khoa); “Thanh toán di động – Những bài học rút ra từ Trung Quốc” (ThS Lương Kim Long)…Các báo cáo đã cung cấp một bức tranh tổng quan song cũng rất chi tiết và đặc biệt quan trọng các ý nghĩa và bài học rút ra từ thực tiễn hoạt động thanh toán di động ở một số quốc gia và trên thế giới nêu trên.
Tham gia trình bày và đóng góp các ý kiến từ thực tiễn hoạt động thanh toán di động trong hoạt động kinh doanh của mình, các diễn giả đến từ Ngân hàng PVcombank (Ông Nguyễn Minh Đức – Phó GĐ CN HCM), Công ty Tài chính tiêu dùng Home Credit (Bà Lục Kim Thanh – Trưởng phòng Đối tác kỹ thuật số), Ngân hàng Sacombank (Ông Phạm Đức Duy- Giám đốc Trung tâm Thẻ), Ngân hàng OCB (Ông Nguyễn Hồng Minh – Giám đốc Chi nhánh Tân Thuận), Ngân hàng Kiên Long (TS.Lê Bá Trực – Trung tâm Đào tạo Kienlongbank)…đã mang đến cho Hội thảo bằng chứng sinh động về sự tăng trưởng ngoạn mục, ấn tượng của các dịch vụ thanh toán số, thanh toán di động. Đặc biệt, các dịch vụ thanh toán di động đã đem đến cho người dùng những trải nghiệm thanh toán, mua sắm, tiêu dùng thú vị, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và giúp các ngân hàng, các định chế tài chính thu hút thêm khách hàng, mở rộng các kênh thanh toán, phục vụ số lượng lớn khách hàng, nhất là khách hàng tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã chỉ ra những thách thức về an toàn, an ninh tiền tệ, thách thức về khuôn khổ pháp lý, vấn đề bảo mật thông tin, giao dịch xuyên biên giới, tội phạm, rửa tiền… Các phát biểu cũng đánh giá cao việc tổ chức kịp thời Hội thảo của ĐH Tôn Đức Thắng nhằm sớm phổ biến, tuyên truyền và giáo dục cho sinh viên ngành tài chính ngân hàng về tình hình thanh toán số, nhất là sự chuẩn bị không chỉ về kiến thức, mà còn cả về kỹ năng vận hành, làm chủ công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0.
TS. Lê Thị Kim Xuân cho rằng, Hội thảo là cơ hội để trao đổi, thảo luận, thông tin bổ ích và cung cấp các kiến nghị, đề xuất thiết thực đến các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, có các giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp.
- Log in to post comments