Những đột phá để có sự thành công về khoa học-công nghệ của Đại học Tôn Đức Thắng
Từ năm 2007, Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đã có kế hoạch phát triển thành đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới (ít nhất thuộc Top 500 đại học tốt nhất) trong vòng 30 năm. Đến nay, TDTU đã đi qua 1/2 chặng đường của kế hoạch này và đang đi đúng hướng.
Trong quá trình phát triển, Nhà trường xem nghiên cứu là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục nói riêng và đẳng cấp phát triển của đại học nói chung. Khoa học-công nghệ là hoạt động sáng tạo tri thức mới, nhận thức mới, phương pháp mới, công nghệ mới...; do đó, nó tác động đến toàn xã hội không nhiều thì ít. Một đại học đúng nghĩa phải là nơi liên tục có những phát kiến mới như trên để trực tiếp là phát triển và bảo đảm chất lượng giáo dục của đại học này; gián tiếp là góp phần thay đổi khoa học, công nghệ và xã hội; thúc đẩy nhân loại tiến lên.
Hoạt động khoa học-công nghệ của TDTU vì thế luôn được chú trọng. Sau đây là những bước đột phá trong 10 năm qua:
- Hình thành phương pháp thẩm định khoa học hiện đại, tiên tiến bậc nhất thế giới: TDTU nghiên cứu và ban hành một bảng xếp hạng tập san quốc tế tốt nhất và khó nhất thế giới hiện nay; vì bảng xếp hạng tập san này mạnh hơn bảng Scimago của Tây Ban Nha và WoS của Mỹ; hai bảng mà các nước trên thế giới hiện đang dùng.
- Thực hiện hoạt động bổ nhiệm chuyên gia: TDTU tự xây dựng các tiêu chí bổ nhiệm chuyên gia theo thông lệ Âu-Mỹ và tương đương với chuẩn của các đại học tốp 500 của thế giới.
- Nâng cao tiêu chuẩn tuyển dụng giảng viên, nghiên cứu viên: ứng viên phải có học vị tiến sĩ (trừ một số ngành đặc biệt) và có công trình khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus uy tín; trong đó phải từng là tác giả chính của các công trình này.
- Tuyển dụng chuyên gia không biên giới: TDTU thực hiện chính sách thu hút nhân tài trên toàn thế giới, đặc biệt là chuyên gia người Việt ở nước ngoài theo đúng chủ trương thu hút nhân tài của nhà nước Việt Nam.
- Nâng cao tiêu chuẩn công việc: tiến sĩ làm việc tại các Khoa phải có công trình ISI/Scopus (tác giả chính) hàng năm. Đây là tiêu chuẩn rất cao so với nhiều đại học trong khu vực và trên thế giới.
- Mở rộng chương trình sau tiến sĩ: TDTU là đại học đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chương trình này; tạo môi trường nghiên cứu cho các tiến sĩ trẻ khắp nơi trên thế giới.
- Xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ đẳng cấp thế giới: tất cả các luận án tiến sĩ tại TDTU đều phải có sản phẩm được công bố trên tập san ISI/Scopus; trong đó nghiên cứu sinh phải giữ vai trò tác giả chính thì mới đủ điều kiện được ra bảo vệ trước hội đồng chấm luận án.
- Tăng cường công bố ISI/Scopus trong học viên cao học: TDTU đã có chính sách ưu tiên cho những luận văn thạc sĩ có kết quả được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus nhằm phát hiện và bồi dưỡng lực lượng nghiên cứu trẻ cho tương lai.
- Chương trình Journal Club: định kỳ, giảng viên các Khoa đọc và báo cáo các kết quả nghiên cứu mới nhất được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus để vừa cập nhật kiến thức chuyên môn, vừa tìm hiểu về chuẩn mực của các công trình ISI/Scopus để có thể nghiên cứu và công bố; vừa tập dượt làm reviewer thường xuyên.
- Hình thành Giải thưởng khoa học Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU Prize): cứ mỗi 2 năm/lần, tất cả các nhà khoa học trên thế giới có thể gửi hồ sơ để ứng cử vào TDTU Prize. Việc này vừa giúp nâng cao uy tín khoa học của TDTU và Việt Nam trên trường quốc tế; vừa lựa chọn được những thành tựu khoa học xuất sắc nhất để tạo cảm hứng nghiên cứu cho nghiên cứu viên của TDTU. Riêng năm 2019, TDTU Prize đã nhận được 90 hồ sơ ứng viên từ nhiều nước trên toàn thế giới và có 03 nhà khoa học đến từ Đức, Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao giải.
- Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (FOSTECT): FOSTECT là một quỹ nghiên cứu trực thuộc TDTU được thành lập từ rất sớm; và đã cấp kinh phí cho nhiều chương trình nghiên cứu của các nhà khoa học TDTU hoặc các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới có hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học của TDTU.
- Thành lập Ủy ban đạo đức khoa học: Ủy ban có chức năng tư vấn cho các nghiên cứu có liên quan đến các chuẩn mực đạo đức; và đồng thời giải quyết các vụ vi phạm đạo đức nghiên cứu.
- Đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ nghiên cứu: cơ sở vật chất, thiết bị, tài nguyên phục vụ nghiên cứu luôn cập nhật và hiện đại hóa. TDTU là đại học đầu tiên trong hệ thống đại học Việt Nam đã đầu tư “Máy tính hiệu năng cao” để phục vụ cho hoạt động phân tích dữ liệu và hỗ trợ nghiên cứu.
- Bảo đảm thu nhập tốt cho nhà khoa học: thu nhập của các nhà khoa học tại TDTU tương đương với nhiều nơi trong khu vực và trên thế giới.
Với những chiến lược, bước đi có tính cách tân nói trên, TDTU đã gặt hái được những thành tựu rất đáng tự hào, tiêu biểu như: được Hội đồng quốc gia cấp cao về kiểm định nghiên cứu và giáo dục đại học Cộng hòa Pháp (HCÉRES) công nhật đạt chuẩn kiểm định vào năm 2018; hai năm liên tiếp (2019 và 2020) được ARWU (một tổ chức xếp hạng đại học uy tín và khách quan nhất thế giới) xếp lần lượt vào Top 1000 và Top 800 đại học tốt nhất thế giới (Năm 2020, TDTU tăng ít nhất 200 hạng so với năm 2019).
Để TDTU có thể tiếp tục phát triển như trong thời gian qua thì cơ chế tự chủ đại học và tầm nhìn, năng lực quản trị đại học của lãnh đạo có tính quyết định.
Tham khảo thêm về thành tựu khoa học của TDTU: Giải thưởng TDTU 2019, Đào tạo tiến sĩ chuẩn quốc tế, Xếp hạng ARWU 2020, HCÉRES 2018, Top 100.000 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020, Giải thưởng quốc tế dành cho nhà khoa học nữ, Nhà khoa học hàng đầu Châu Á, Top 10 cơ sở nghiên cứu hàng đầu ASEAN, Học sinh trung học có công bố ISI với TDTU,…
- Log in to post comments